CƠ SỞ XÃ HỘI NHỊ XUÂN

line
27 tháng 12 năm 2019

   Trong cái nắng ấm áp xen chút không khí lành lạnh của buổi sáng, mọi cảnh vật tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân vẫn còn phủ một lớp sương mờ mờ, nhưng bên trong đã rôm rả nhiều âm điệu của một ngày mới tràn đầy nhựa sống.

   Từ cổng chính nhìn vào là Khu hành chính với mái vòm nhọn vút cao thể hiện sự vươn lên, sự xung kích của Thanh niên xung phong. Khu hành chính rộng khoảng 5000mgồm hai dãy nhà là nơi làm việc của viên chức, người lao động khối hành chính. Bên trái là khu tiếp nhận người cai nghiện ma túy diện tự nguyện, tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn làm thủ tục thăm gặp.
   Tại phòng tiếp nhận thân nhân của người cai nghiện ma túy (gọi tắt là học viên) ra vào rất ồn ào. Kẻ đứng, người ngồi như vội vã để chờ đến lượt vào thăm con. Tôi ấn tượng nhất là một người mẹ bảo: Hạnh phúc nhất của bà là thằng con đã nghiện ma túy nhiều năm “đi” trước bà. Vài người đứng gần đó cũng đồng cảm: Tui cũng vậy, nó phá quá. Hôm hay tin công an bắt, tôi thật sự mừng. Người khác xen vào: Nó đi càng lâu càng tốt. Còn một người lần đầu tiên đưa con lên cai nghiện diện tự nguyện lo lắng: không biết nơi đây như thế nào mà vào thăm gặp, nó một hai đòi về. Người đứng gần đó bảo: Chị đừng nghe lời nó mà cho nó về. Nơi đây quản lý, giáo dục được lắm, để nó có thời gian cách ly một chút, chứ chị đón về là nó tái nghiện lại ngay, …Thật vậy có rơi vào hoàn cảnh thì mới hiểu được cảm giác của họ.
 
   Dừng lại ở Khu thăm gặp, diện tích khoảng 2000m2, khuôn viên rợp bóng cọ dừa, xen lẫn những bông hoa chiều tím, hàng bằng lăng tím, phía dưới những thảm cỏ đậu phộng vàng rực, bên cạnh là hồ nước trong xanh, một vài hoa súng, hoa sen ngoi lên khỏi mặt nước, … tạo một cảm giác thật thư thái. Tại khu thăm gặp, tôi nghe được những tâm sự vui buồn của họ: mẹ bảo lãnh con về đi, con khỏe rồi; bàn bên cạnh một học viên tỏ thái độ bực tức khi gia đình không cho về sớm rồi bước về đội một cách giận dỗi, bỏ lại bà mẹ ngồi một mình nhìn theo dáng con bà đưa tay lau vội dòng nước mắt và nói “Con cái không hiểu lòng bố mẹ”; thăm gặp bên này người chồng căn dặn vợ: Em giữ gìn sức khỏe, cố gắng chăm sóc con, anh ở vài tháng nữa sẽ về; ngoại ơi, thấy con thế nào có da có thịt và trắng hơn ở nhà phải không? mẹ con đâu? mẹ con bị bệnh không đi được à….
   Sau lưng khu tiếp nhận là dãy nhà mà Tòa án các quận, huyện đang mở phiên họp. Có 03 phòng họp, quy cách từng phòng được bố trí nghiêm trang. Được biết từ ngày bệnh nhân được chính quyền địa phương đưa vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân cắt cơn, giải độc đến khi hoàn thành thủ tục chuyển đến các trường, trung tâm là trong vòng 30 ngày. Cán bộ đi cùng tôi giới thiệu, “Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân” đã có 20 năm làm công tác quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy. Đến tháng 12 năm 2014, đơn vị tổ chức lại thành “Cơ sở xã hội Nhị Xuân” với nhiệm vụ mới là tổ chức thực hiện Đề án “Quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội trong thờigian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”của UBND Thành phố.
   Theo chân cán bộ, chúng tôi vào khu cắt cơn, giải độc. Khu rộng khoảng 5000m2, có 8 phòng lưu bệnh, phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng cấp cứu, phòng theo dõi bệnh nặng, phòng hành chính, y bác sĩ thường trực 24/24 để theo dõi, thăm khám bệnh nhân. Nghe loáng thoáng tiếng: Bác sĩ ơi tui bệnh gì mà phải khám, tui không có chơi; một bệnh nhân đứng gần đó ôm đầu kêu tránh ra, tránh ra có người định đánh tui; bên cạnh điều dưỡng bảo các bệnh nhân uống thuốc nhưng người thì đứng đó cười, người thì ngồi sau bức tường ló đầu ra hỏi họ đi chưa,…Cán bộ đi cùng tôi giải thích: những hành động cười và nói nhảm như thế diễn ra hàng ngày và đều rơi vào những bạn học viên sử dụng ma túy tổng hợp (gọi hàng đá). Ma túy tổng hợp nếu không được đưa đi cai nghiện sớm sẽ ảnh hưởng đến não, đến tính cách, nên trong quá trình cắt cơn, các em luôn bị ảo giác. Được biết, theo quy trình sau 7 ngày từ ngày tiếp nhận, bệnh nhân sẽ được chuyển sang khu phục hồi sức khỏe.
 
   Có 03 khu phục hồi sức khỏe, mỗi khu rộng trên 8000m2, là nơi quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy sống lang thang không nơi cư trú ổn định (gọi tắt bệnh nhân) sau khi cắt cơn và ổn định sức khỏe. Được biết hàng tuần các bệnh nhân tham gia các hoạt động: Tư vấn, tham vấn cá nhân, nhóm;Tiếp xúc nhóm;Họp tổ;Truyền thông nhóm; Sinh hoạt nhóm; Vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ; Rèn luyện tăng cường sức khỏe. Tuy thời gian không dài nhưng ở đây các bệnh nhận được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản như: Dự phòng tái nghiện; Xây dựng lòng tin, thay đổi cách nhìn của những người xung quanh về bản thân; Làm chủ cảm xúc đối phó với cơn thèm nhớ; Xử lý mâu thuẫn, hàn gắn các mối quan hệ; phòng tránh các bệnh lây nhiễm và hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của bản thân; … Gặp một bệnh nhân đang ở khu phục hồi sức khỏe, tôi hỏi: Bạn nghiện lâu chưa và đã đi cai nghiện ở đâu rồi? Dạ em nghiện gần 5 năm rồi, đi cai vài lần cũng tại Nhị Xuân diện tự nguyện, thật sự em thích cai nghiện ở tại Nhị Xuân hơn, vì cán bộ nhân viên ở đây làm việc có tâm và có trách nhiệm lắm.
Đi cùng anh đến Đội tự nguyện, diện tích khoảng 3ha, có 03 khu (02 khu nam, 01 khu nữ với quy mô quản lý trên 500 người) cảnh vật được bài trí hài hòa rất đẹp, giống như một khu nghỉ dưỡng. Anh cho biết: Đề án tiếp nhận người cai nghiện diện tự nghiện thí điểm từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 04 năm 2013 UBND Thành phố cho phép đơn vị chính thức triển khai, thực hiện. Từ đó đến nay đơn vị tiếp nhận, quản lý 6.059 lượt người đến cai nghiện tự nguyện. Sau thời gian cắt cơn tại Phòng Y tế từ 5 – 7 ngày, các bạn được chuyển sang Đội tự nguyện. Tại đây, các bạn sẽ được rèn luyện từ sếp xếp trật tự nội vụ, ăn, ngủ đúng giờ, tập hai bài thể dục sáng, tập thể hình, tập dưỡng sinh để nâng cao thể lực, nếp sống đi vào ổn định; các bạn tiếp tục được trang bị những kiến thức cơ bản về cách phòng, tránh bệnh truyền nhiễm, kỹ năng ứng phó với mâu thuẫn, cơn thèm nhớ, … và được học nghề; đến tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như: các hội thi văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và có cả phòng đọc sách, phòng game, phòng hát karaoke, phòng bi da,… Ngoài ra, đơn vị tổ chức ăn thêm theo yêu cầu vào ban đêm cho các bạn (nếu có nhu cầu); các nhu yếu phẩm cần thiết bán đa dạng và phong phú đáp ứng nhu cầu các bạn. Ở đây, các bạn được bác sĩ đến thăm khám bệnh 02 lần/ngày, điều dưỡng gọi từng bạn lên uống thuốc (nếu có bệnh); thăm nuôi 01lần/tuần. Anh còn cho biết có nhiều bạn “tạm trú” từ khi thành lập đến bây giờ. Tiếp xúc, các bạn tâm sự: Nhị Xuân như ngôi nhà thứ hai của em. Nơi đây, em cảm nhận được giá trị của bản thân, được là chính mình, được quan tâm, chia sẻ…
Đến phòng Y tế khá xa, hương sen thoang thoảng hai bên đường tạo cảm giác sảng khoái. Khuôn viên y tế rộng hơn 5000m2, với 22 y bác sĩ, trang thiết bị được trang bị đầy đủ và có đủ phòng: mát sa, sông hơi, siêu âm, chụp x quang, xét nghiệm, nha khoa, … Anh cho biết thêm: Người cai nghiện tự nguyện cắt cơn tại đây, trong quy trình cắt cơn có xông hơi, mát sa… Tùy bệnh nhân mà có thể cắt cơn nhanh hay chậm, sau đó chuyển sang sinh hoạt tại Đội tự nguyện.
Những ánh nắng ấm áp đã lên cao, chúng tôi dừng trước khu cai nghiện cộng đồng. Anh bảo khu này khoảng 8000m2, theo chủ trương của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đây là nơi bố trí dùng để tiếp nhận, điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy đang cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Được biết thời gian cắt cơn là 15 ngày và sau 7 ngày sẽ giải quyết cho thân nhân thăm gặp (02ngày/lần). Rời khu cai nghiện cộng đồng, tôi đã thấy chân mình rã rời. Nhìn tôi anh bảo: mỏi lắm phải không, ở đây chúng tôi đi xe đạp hoặc xe máy ít khi đi bộ.
   Cơ sở xã hội Nhị Xuân quản lý trên 337 ha, trong đó có diện tích 28 ha được Thành phố đầu tư, xây dựng phục vụ cho hoạt động cai nghiện ma túy. Nơi đây được bao phủ gam màu xanh, có đến mới biết vì sao nhiều người bảo nơi đây như khu nghỉ dưỡng. Cảnh vật như hòa thành một, bầu không khí trong lành, mát dịu gọi người ở lại. Có lẽ đây là một trong những lý do cán bộ nhân viên Nhị Xuân gắn bám. Gặp anh bảo vệ trạc 50 tuổi, tóc đã điểm màu thời gian, hỏi anh bảo: Tôi gắn bó ở đây trên 20 năm là bỡi tình đất, tình người và chất Thanh niên xung phong. Cái chất ấy như chất keo kết dính bao thế hệ Thanh niên xung phong… mà chưa nơi nào có. 

 

Các tin liên quan