SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG NÊN LÀM GÌ KHI KHÔNG BIẾT PHẢI LÀM GÌ?

line
29 tháng 06 năm 2022

SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG NÊN LÀM GÌ KHI KHÔNG BIẾT PHẢI LÀM GÌ?
Hậu tốt nghiệp Đại học là một khoảng thời gian chênh vênh với nhiều người khi vừa phải chịu áp lực đồng trang lứa, vừa không có nguồn thu nhập vững chắc dù đã lấy được tấm bằng Cử nhân. Vậy sinh viên mới ra trường nên làm gì khi không biết mình phải làm gì?
Không phải bất kỳ sinh viên mới ra trường nào cũng thuận lợi tìm được công việc ưng ý hay biết chính xác mình nên làm gì. Theo thống kê của Allaboutcareer.com cho biết, có 44% sinh viên chưa tốt nghiệp không thể xác định ngành nghề mà họ muốn làm việc, 52% số sinh viên được khảo sát đồng ý rằng họ không biết làm gì với sự nghiệp của mình. 
* Vì sao tốt nghiệp xong lại không biết làm gì?
Theo sự quan sát trong 21 năm giảng dạy, Tiến sĩ Deborah J. Cohan, giảng viên tại Đại học Beaufort Nam Carolina đã đưa ra 7 nguyên nhân gây nên sự mơ hồ đối với các sinh viên mới ra trường.
1. Hầu hết mọi người chọn theo học Đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông mà không thực sự dành thời gian để suy ngẫm và khám phá những gì họ cần và muốn làm trong tương lai, cũng như không xác định xem Đại học có phải là điều cần thiết tiếp theo hay không và những kinh nghiệm mà họ muốn có ở Đại học là gì.
2. Đa phần những người được bố mẹ định hướng theo học Đại học ít được trang bị để tự đưa ra quyết định và đối mặt với hậu quả của chúng.
3. Các trường Đại học – Cao đẳng đầu tư nhiều nguồn lực vào việc thu hút sinh viên mới và giữ chân sinh viên năm nhất hơn là hướng nghiệp cho sinh viên sắp ra trường.
4. So với số tiền và nguồn lực mà các trường Đại học – Cao đẳng đầu tư vào năm nhất, thì năm cuối lại bị thiếu hụt những trải nghiệm nghề nghiệp một cách toàn diện và chuyên sâu.
5. Học Đại học cực kỳ tốn kém, không chỉ về mặt tài chính; và những sinh viên sắp tốt nghiệp có thể bị choáng ngợp bởi những gì họ vừa trải qua cũng như những kỳ vọng về tương lai, khiến họ cảm thấy mông lung khi xác định nên làm gì tiếp theo.
6. Những sinh viên gặp thách thức về sức khỏe tinh thần hoặc sang chấn tâm lý có nguy cơ khó khăn hơn sau khi tốt nghiệp vì nhận được ít sự hỗ trợ hơn.
7. Đa số sinh viên mới ra trường không muốn trở về nhà và lệ thuộc vào gia đình, tuy nhiên thực trạng tài chính khiến việc sống độc lập gần như là không thể, buộc họ phải lựa chọn hoàn cảnh và công việc thiếu an toàn.
* Nên làm gì khi không biết cần phải làm gì?
1. Dành thời gian tìm hiểu bản thân
- Không thể phủ nhận lý do lớn nhất khiến các sinh viên cảm thấy mơ hồ trong việc quyết định nghề nghiệp là do họ chưa hiểu rõ những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Vì thế, đây là lúc thích hợp để bạn ngồi xuống và đặt câu hỏi cho chính mình, càng nhiều càng tốt, tìm hiểu những gì bạn thật sự yêu thích và đam mê, đồng thời xác định những điều đang gây hạn chế cho bạn. Từ đó, bạn có thể định hướng phát triển của bản thân, tìm ra hướng đi phù hợp và thiết lập mục tiêu, kế hoạch để đạt được những gì bạn mơ ước.
- Để dễ dàng hơn trong việc xác định công việc phù hợp với tính cách của mình, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm tính cách trên Việc Làm 24.
2. Duy trì và phát triển sở thích cá nhân 
- Sở thích cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm ngành nghề phù hợp. Vì vậy hãy tiếp tục duy trì và phát triển chúng, miễn là lành mạnh. Viết lách, trồng cây, thậm chí là làm đẹp, hãy tiếp tục duy trì và học hỏi, tìm cách để phát triển chúng trở thành kỹ năng, thế mạnh cá nhân. Không chỉ giúp bạn giảm stress mà còn có thể tăng cơ hội tìm được công việc yêu thích và phù hợp.
- Trong thời đại số hóa như hiện nay, chỉ cần bạn đủ sáng tạo thì khả năng tạo nguồn thu nhập từ những điều nhỏ nhặt xung quanh là vô hạn.
3. Nuôi dưỡng những thói quen tốt và nâng cao sức khỏe tinh thần
- Nếu như bạn không biết phải làm gì với tương lai của mình, hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất, những gì bạn cho là tốt. Hãy xây dựng cho mình những thói quen lành mạnh (học một ngoại ngữ, ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên,…) đi cùng với việc nâng cao sức khỏe tinh thần. Như thế, bạn vẫn đang phát triển bản thân mình qua từng ngày ngay cả khi bạn không có kế hoạch cụ thể nào cho tương lai.
4. Đừng sợ hãi nếu phải làm việc trái ngành 
- Có nhiều lý do khiến bạn chọn một công việc trái ngành: có thể bạn nhận ra công việc phù hợp với mình không thuộc phạm vi mình được đào tạo, hoặc bạn cảm thấy có việc cũng còn đỡ hơn không. Các trải nghiệm về công việc và môi trường làm việc sẽ cho bạn biết những điều phù hợp và không phù hợp với bạn khi đi làm, giúp bạn hiểu hơn về những gì mình mong muốn trong tương lai. Ngoài ra, việc bạn có thể đảm đương được một công việc không nằm trong phạm vi đào tạo cho thấy bạn là một người linh hoạt và có khả năng thích nghi tốt. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ cho bạn kinh nghiệm và kiến thức phong phú, giúp bạn có nhiều sự lựa chọn hơn trong nghề nghiệp. 
5. Trân trọng sự tự do ở hiện tại
- Khi không bị ràng buộc bởi học tập và công việc, bạn có thời gian và sự tự do để thực hiện những gì mà bạn chưa từng có cơ hội để làm trước đây, và có thể trong tương lai cơ hội này cũng sẽ không lặp lại. Hãy tận dụng sự tự do này để thử mình với những gì bạn yêu thích và dù bạn có thất bại, thì cũng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại.
Kết lại, có rất nhiều sự lựa chọn dành cho bạn khi vừa mới ra trường, và điều khiến bạn mông lung là việc không biết nên chọn gì hay sợ rằng mình sẽ chọn sai. Hãy cho phép bản thân được tự do trải nghiệm những gì bạn muốn vì đó là cách tốt nhất để bạn tìm xem điều gì phù hợp với mình.

Nguồn: Nguyễn Phan Hoài Tú, "Sinh viên mới ra trường nên làm gì khi không biết phải làm gì?". Vieclam24h.vn. Link gốc: https://nghenghiep.vieclam24h.vn/sinh-vien-moi-ra-truong...